Mục lục bài viết
- Loading...
Khi doanh nghiệp gặp các vấn đề khó khăn trong hoạt động kinh doanh, không thể tiếp tục duy trì hoạt động nữa nhưng lại chưa muốn giải thể doanh nghiệp thì tạm ngừng kinh doanh sẽ là một lựa chọn tối ưu để giải quyết vấn đề này. Vậy tạm ngừng/tạm ngưng kinh doanh là gì? Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh bao gồm những gì? Quy trình, thủ tục ra sao? … Thông qua bài viết sau đây, YES OFFICE sẽ giới thiệu về thủ tục tạm ngừng kinh doanh và các giấy tờ, hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục này.
Khái niệm về tạm ngừng kinh doanh
Tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có quy định về tạm ngừng kinh doanh, cụ thể- “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Điều kiện tạm ngừng kinh doanh
- Doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh phải đảm bảo rằng mã số thuế của doanh nghiệp không bị đóng mã số thuế (vẫn đang ở tình trạng đang hoạt động).
- Doanh nghiệp phải thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế quản lý trước khi bắt đầu thời gian tạm ngừng kinh doanh ít nhất 03 ngày làm việc.
- Doanh nghiệp chỉ được tạm ngừng tối đa một năm và được gia hạn liên tiếp vào các năm tiếp theo, không giới hạn số lần gia hạn.
- Trước khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải hoàn thành các nghĩa vụ về thuế; hoàn thành việc thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp chủ nợ thì giữa doanh nghiệp và khách hàng, người lao động có thỏa thuận khác.
Quyết định tạm ngừng kinh doanh cho công ty và đơn vị phụ thuộc
Doanh nghiệp có thể lựa chọn thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh với doanh nghiệp hoặc đơn vị phụ thuộc theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tại điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định rõ về vấn đề này: “Điều 66. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh- Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
- Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, kèm theo thông báo phải có nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.
- Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.
- Doanh nghiệp có thể đề nghị đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đồng thời với đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đồng thời với tình trạng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”
Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh gồm những gì?
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục số II-19 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Quyết định tạm ngừng kinh doanh (của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần…);
- Bản sao hợp lệ biên bản họp (với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty hợp danh là biên bản họp của Hội đồng thành viên; với công ty cổ phần là biên bản họp Hội đồng quản trị)
- Giấy ủy quyền cho cá nhân/tổ chức thực hiện thủ tục hồ sơ.
Quy trình thực hiện hồ sơ tạm ngừng kinh doanh công ty
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Doanh nghiệp phải thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi thực hiện tạm ngừng kinh doanh ít nhất 03 ngày làm việc. Nội dung thông báo tạm ngừng kinh doanh bao gồm:- Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh công ty: ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng.
- Lý do tạm ngừng.
- Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ; hoặc
- Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
Những điều cần biết khi tạm ngừng kinh doanh
- Thông báo gửi Sở Kế hoạch và đầu tư về việc tạm ngừng kinh doanh trước ít nhất 03 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh với doanh nghiệp, hoặc trước ít nhất 01 ngày với đơn vị khác.
- Đơn vị phụ thuộc sẽ tạm ngừng khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
- Trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh doanh nghiệp không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm (khoản thời gian không tạm ngừng).
- Không phải nộp lệ phí môn bài nếu tạm ngưng trọn năm dương lịch.
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ các khoản thuế còn nợ; thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động đã phát sinh trước thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Để lại bình luận